Con em rất mất tập trung, cháu đi học không nhớ bài, cô giáo phàn nàn rất nhiều về cháu. Vậy làm thế nào để con em có thể tập trung hơn ah chị? Làm thế nào để con có thể nhớ bài hơn? Mình nhận được câu hỏi này từ các phụ huynh lớp 1 là chính, và cũng có một vài phhs lớp 3,4,5.
Các bố/mẹ nghe câu này có quen quen không ah? Có cảm thấy nó giống giống con của mình không ah. Hôm nay, mình xin giải đáp các vấn đề thắc mắc của PHHS về việc con không tập trung và giải pháp.
Nếu con các bố/mẹ đang ở lớp 1 và bị cô phàn nàn là con chưa tập trung, mình nghĩ chắc cũng chưa phải quá là lo lắng đâu ah. Lý do là trẻ mầm non đang quen tự do, chưa được rèn nề nếp và rèn việc học. Bản thân các bố mẹ cũng không biết là để con vào lớp 1 phải rèn cho các con nhiều kỹ năng để con có thể sẵn sàng cho việc học.
Chính vì không rèn con các kỹ năng để vào lớp 1, nên khi con vào lớp 1 con mới khó khăn, thể hiện là con không thể theo nề nếp của lớp, không thể nhớ kiến thức cũng như chưa có kỹ năng khiến các cô rất vất vả, và vì các cô vất vả nên các cô phải kêu với bố mẹ là đúng rồi. Ngoài ra, có một số giáo viên, do chưa được hiểu rõ về tâm sinh lý lứa tuổi, nên mong cầu các con học sinh lớp 1 phải có nề nếp như học sinh lớp 2-3-4 nên từ đó đặt yêu cầu cao quá so với năng lực của trẻ, trẻ không làm được thì thất vọng, mệt mỏi và từ đó liên tục phàn nàn với Phụ huynh học sinh.
Như vậy việc các con luôn bị phàn nàn xuất phát từ 2 lý do chính: con chưa được rèn các kỹ năng để vào lớp 1 từ hồi 4-5 tuổi và các cô/ phụ huynh mong cầu con cao hơn so với năng lực của con có thể làm được. Và còn 1 lý do phụ nữa là những trẻ bị giảm chú ý, bị mất tập trung và luôn chân tay do nguyên nhân bênh lý (tăng đông giảm chú ý, rối loạn hành vi hoặc thậm chí có thể là tự kỷ mà bố mẹ chưa thừa nhận và chưa can thiệp) hoặc do nguyên nhân từ cách nuôi dạy của gia đình: cho trẻ xem tivi, chơi ipad và thiết bị điện tử quá nhiều, không gian quá chật hẹp và không cho trẻ vận động đủ thời gian theo yêu cầu của lứa tuổi cũng khiến trẻ bị rối loạn, khó tập trung, không kiểm soát cảm xúc và dễ cáu giận. Tỷ lệ những trẻ bị giảm chú ý như vậy hiện vào khoảng 20%, nghĩa là một lớp 20 cháu thì có từ 3-4 cháu thôi .
Như vậy là chưa dạy con kỹ năng nhưng lại đòi hỏi con phải có kỹ năng đó. Thành ra, trẻ không có tội khi trẻ không học được, không ngồi yên được mà tội tại người lớn sơ suất không phát hiện ra vấn đề của trẻ và thiếu sự bài bản trong nuôi dạy trẻ dẫn tới trẻ chưa có kỹ năng để đi học lớp 1.
Vậy, các bố mẹ có con chưa học lớp 1 cần lưu ý dạy con một số kỹ năng để đảm bảo cho việc sẵn sàng đi học lớp 1 của con. Các việc cần rèn để con sẵn sàng vào lớp 1 là:
Khả năng ngồi tĩnh và ngồi bàn. Cố gắng luyện đến khi vào lớp 1 con có thể ngồi tĩnh tập trung từ 30-40 phút (thời gian của một tiết tiểu học). Từ khi con 4 tuổi, nên bắt đầu dạy con ngồi bàn. Nhưng sẽ không cần phải cho con học trước kiến thức ở lớp 1.
Cách để luyện con ngồi bàn
- Mua cho con một cái bàn nhỏ, đẹp, đáng yêu, vừa với vóc dáng người của con, không được cao quá hay thấp quá để con thoải mái nhất khi ngồi.
- Mua một cái đồng hồ báo thức để dạy con xem giờ và biết nhìn đồng hồ.
- Có biện pháp khen thưởng và kỷ luật rõ rang, nếu chơi với mẹ tốt được thưởng, nếu không chịu ngồi có thể bị phạt. Nên khen nhiều hơn kỷ luật, bởi việc ghi nhận mình là đứa trẻ tốt là nội lực quan trọng cho quá trình tự trọng và luôn muốn hướng tới điều tốt đẹp của con.
- Sau đó, chọn một khung giờ mà mẹ có thể thường xuyên nhất ngồi bàn cùng con, từ 7-8:30 giờ hàng ngày (nếu mẹ thường về muộn thì 8:00 bắt đầu cũng không sao).
- Sau đó dụ con ngồi bắt đầu từ 5p, cứ một tuần thì tăng thời gian lên 5p nữa, cho đến khi lên tới 40 phút thì dừng lại.
- Trường hợp nếu bé quá nghịch ngợm thì ngồi 5-10 phút mẹ và con có thể chơi một trò chơi vận động độ 5-10 phút rồi lại tiếp tục ngồi vào bàn. Đây là các trò chơi vận động mà mẹ có thể chơi với con: https://toplist.vn/top-list/tro-choi-tap-the-cho-tre-mam-non-hay-va-thu-vi-nhat-27777.htm
- Hoạt động trên bàn học đó của con cũng thay đổi linh hoạt theo sở thích của con, nhưng hoạt động tĩnh mà mẹ có thể chơi với con trên bàn như sau: vẽ, tô màu, chơi thẻ bài, chơi ghép hình, đọc sách và kể lại, hoặc nghe mẹ kể chuyện và kể chuyện lại theo tranh, tập chơi nhớ số, tập chơi nhớ chữ cái, tập chơi học tiếng anh.
- Ngoài ra mình thích nhất các bộ sách luyện IQ cho con, mình và con có thể ngồi chơi cả 1 quyển “Chim đa đa” mất 90 phút để làm hết quyển. Các bộ sách luyện IQ cho trẻ mầm non thực sự rất hay và thú vị. Con mình nhờ đó mà rèn sự tập trung rất tốt. Các mẹ chỉ cần lên google search sách chim đa đa hoặc sách luyện IQ cho trẻ từ 3-6 tuổi là ra một loạt, thoải mái mua và lựa chọn để học cùng con. Các trò chơi trí tuệ mình hay ngồi chơi tĩnh với con như sau: https://www.youtube.com/watch?v=8yuTahgoygM
- Một việc các mẹ phải lưu ý là con sẽ phải học sự trật tự và im lặng khi vào lớp 1, do đó trong khoảng thời gian con ngồi bàn thì đến năm con 5 tuổi bắt đầu tập cho con ngồi học mà không cần mẹ ngồi bên cạnh và không được phép nói chuyện. Để làm được việc này, mẹ sẽ giao: con làm 2 trang này trong 5 phút nhé (chỉ vào cái đồng hồ và nói: là cái kim dài nó chỉ từ số này sang số này này), và phải tập trung làm bài, không được nói hay gọi mẹ, mẹ sẽ đi có việc và quay lại. Việc yêu cầu con phải ngồi tự làm việc một mình là nền tảng cho việc đi học lớp 1.Sau khi con làm được 5p thì tang lên 10p, rồi 15p và 20-30p.
- Ngoài ra phải cắt toàn bộ hoạt động tivi và thiết bị ipad hay máy tính, vì game trên máy tính và hoạt động trên tivi rất thú vị, sẽ khiến các con cảm thấy hoạt động học tập là nhàm chán và con sẽ càng không thích học. Nếu có cho con xem tivi hay ipad cũng không nên quá 60-90 phút 1 ngày. Tác hại của tivi và ipad máy tính lên não của trẻ đã được nghiên cứu rõ ràng nên bố mẹ tốt nhất là hạn chế càng nhiều càng tốt nhé.
- Một lưu ý là các mẹ nói là con sẽ không thích, con không tập trung thì sao. Thực ra đứa trẻ nào cũng chỉ thích chạy nhảy tự do thôi, nên các trẻ không thích ngồi học tĩnh nhiều lắm, nhất là con trai. Việc các bạn chỉ cần dành 30 -40p một tối đâu có khó khăn đến thế, mà không phải là ngay lập tức 40p mà tang dần 5p. Mình quan sát thấy thì mẹ cứ quyết tâm, biết thưởng phạt và động viên đúng cách là làm được.
Khả năng nhận, ghi nhớ nhiệm vụ
Đây là kỹ năng cực kỳ quan trọng trước khi con bước vào lớp 1. Mới đầu chỉ đơn giản là: con cất cho mẹ cái cốc lên bàn, sau đó con lớn dần là: con rửa cho mẹ cái cốc, rồi con đi sang nhà bác A xin cho mẹ củ tỏi, con cất quần áo đi. Việc liên tục và giao tiếp với con như vậy giúp con hình thành khả năng ghi nhớ lời người khác nói và hoạt hóa thành việc làm của bản thân.
Việc rèn luyện cho đôi chân khỏe mạnh, tay khéo léo là cực kỳ cần thiết cho việc phát triển não bộ, khả năng cầm bút, liên tưởng và viết chữ cũng như học tập của con. Sau này mẹ có thể dạy con các kỹ năng phục vụ cho bản thân mình như: tự ăn uống được, tự đi vệ sinh được, tự biết rửa cốc mình uống, tự biết sắp xếp đồ đạc và quần áo cá nhân. Đây toàn là những kỹ năng cần thiết khi học lớp 1 cả đấy.
Khả năng diễn đạt
Đây là việc mẹ hỏi và con đưa ra câu trả lời cũng như con tập kể lại cho mẹ các câu chuyện trong đời sống, ở lớp mẫu giáo, ở nhà cho bố mẹ. Rồi cao dần là ghi nhớ các câu chuyện dài cho người lớn kể để kể lại. Việc ghi nhớ và kể lại là cực kỳ cần thiết cho quá trình học. Vì các cô sẽ nói, trình bày kiến thức, các con thực hành và ghi nhớ. Nên khả năng ghi nhớ, kể chuyện và diễn đạt này rất cần cho con.
Nếu như con bạn có 3 nhóm kỹ năng: ngồi làm việc tĩnh, nghe- nhân- thực hiện nhiệm vụ, ghi nhớ sự kiện và diễn đạt lại tốt thì con đã có tất cả kỹ năng để vào học tốt lớp 1. Chưa kể là khi mình bắt đầu sớm, thấy mãi con không tập trung được thì bố/mẹ sẽ đi hỏi các bố/mẹ có kinh nghiệm khác, rồi đưa con đi khám, đưa con đi học kỹ năng, dần dần trẻ có vấn đề nhưng nếu không phải là bệnh lý tự kỷ hay tăng động giảm chú nặng hay rối loạn ngôn ngữ nặng thì bé cũng sẽ dần dần trở về bình thường để sẵn sàng 6 tuổi vào lớp 1.
Nói đến đây các bố/mẹ có con vào lớp 1 mà không tâp trung đã thấy mình bỏ mất quá trình giáo dục con ở giai đoạn mẫu giáo như thế nào chưa.
Bố mẹ nhàn thân, hồi con mẫu giáo cho chơi tẹt ga, không giáo dục con các kỹ năng cần thiết và tặc lưỡi là thế nào rồi nó cũng lớn, không thể tập trung, không thể nhớ được bài khi vào lớp 1 thì giờ bố mẹ vất vả là đúng rồi.
Còn nhà khác họ tận tâm với con suốt 6 năm đầu đời thì khi con vào lớp 1 con họ học tốt, nhớ bài, tập trung là đúng rồi. Vậy sai rồi thì sửa thôi ah. Chứ nổi cáu lên con, trách móc nhà trường cô giáo, chương trình học quá nặng cũng có giải quyết được gì đâu ah. Nhà trường phải theo chuẩn của bộ giáo dục, nếu con không học được thì con ở lại lớp 1 học thêm một năm nữa. Bố mẹ Không căng thẳng là được.
Các cách để giúp con khi con không tập trung học được, không thể nhớ bài được
Thứ nhất, bố/mẹ cần chấp nhận thực trạng của con, chấp nhận là con đang chưa có đủ các kỹ năng học, chấp nhận đó là lỗi của bố mẹ và thầy cô mầm non đã không sớm phát hiện ra vấn đề, không sớm rèn luyện, kèm cặp, dạy dỗ cho con và để nay con khó khăn, khổ sở như thế này khi đi học lớp 1.
Nếu là bố mẹ đã sai thì nay ta phải sửa sai và do đó chấp nhận là con chậm hơn các bạn khác cả về tiếp thu và nền nếp. Do đó, cách duy nhất giúp con mình là đồng hành với con chứ không thể nào thoái thác, lỗi của mình lại đổ cho thầy cô ở trường phải dạy con học được, nhớ được.
Thứ hai, mình khuyến cáo tiểu học nên chọn trường gần nhà, vì các con rất cần khoảng thời gian chơi thỏa thuê sau giờ học với các bạn. Ví dụ 4:30 con tan học, thì nên cho con chơi đến 5:30 ở trường mới đón con về, để con chơi với các bạn, về đến nhà cho ăn uống, tắm giặt rồi chơi tự do đến 7:30 mới cần vào bàn học, hoặc nếu là khu nhà chung cư thì 4:30 đón ngay con về và cho con chơi với các bạn trong khu chung cư đến 6:00 hãng cho con lên nhà.
Các bạn nhỏ tuổi này cực kỳ thích vận động và cần được vận động nhiều thì mới có đủ sức để ngồi tập trung. Tuyệt đối đừng chọn trường xa, để phải đi 45-60 phút xe bus. Mình nói thật là việc học một trường tốt mà phải đi xa, vì vậy trẻ bị cắt mất giờ chơi thì không đáng, thà cho học gần và có thêm giờ chơi và vận động cho con thì tốt hơn.
Thứ ba, dựa vào thực trạng của con, bố mẹ sẽ quyết định tập trung cho con học cái gì mà mình thực sự cảm thấy cần thiết và quan trọng.
Trong tất cả các môn học ở trường thì đương nhiên là Tiếng việt là quan trọng nhất, tuy nhiên vì đặc thù của tất cả các bạn học sinh đã chậm nhớ và nghịch ngợm thì các ban ấy sẽ không thích tiếng việt. Bởi vì, tiếng việt phải học viết, dù trên lớp của các cô trường công dạy hay nhiều năm kinh nghiệm hay như các trường tư ít học sinh nghĩ ra rất nhiều trò hay để học sinh vừa chơi vừa nhớ từ , có nghĩ ra đủ mọi phương pháp để học thì các con cũng phải ngồi nửa thời gian để viết cặm cụi, từ đó mới nhớ từ, nhớ cách viết, điều này là không thể nào khắc phục được.
Thế nên, dù có không thích đến đâu các con cũng phải ngồi viết chính tả và học đọc và đây là hoạt động rất nhàm chán. Và vì nhàm chán nên trên lớp với trường tư 25-30 học sinh, trường công 50-70 học sinh, các cô không thể nào kiểm soát được con khi mà cứ sểnh mắt ra là con sẽ không làm. Mà để con làm cô lại nghĩ ra các hình thức khuyến khích, động viên, khen ngợi, kỷ luật, phạt, dọa trong đó có cả tác động lên phụ huynh để can thiệp và kèm con.
Nên tại lớp 1, mình nghĩ điều mà bố mẹ cần tập trung nhất là hoàn thành cho con nhiệm vụ học Tiếng Việt mà con chưa thể hoàn thành trên lớp giống như các bạn. Ngoài ra, toàn bộ sách tiếng VIệt đều có hệ thống bài giải, do đó mẹ chỉ cần ngồi hỗ trợ con, con không biết làm mà mẹ cũng không biết làm thì lên google tìm đáp án sẽ có thể làm được. Để củng cố cho con tiếng Việt, các bố mẹ nên cho con học bảng chữ cái tiếng Việt, cho con luyện đọc các phiếu các cô giao về nhà, cho con viết đúng là được, còn có thể giảm yêu cầu viết đẹp với con cho nhẹ nhàng, có thể đọc sách hàng tối cho con nghe, cùng con nói chuyện về quyển sách đó. Nếu cô yêu cầu viết đẹp, hãy vững tâm xin riêng cho con mình chỉ cần biết đọc biết viết là được. Mình đã tự luyện viết 1 quyển riêng và nộp cho cô đủ chỉ tiêu vở sạch đẹp, còn vở con mình chỉ con mình, cô và mình biết, và việc này làm cô giáo an tâm rất nhiều và không đặt áp lực lên việc con phải gò lưng viết quá nhiều.
Về phía môn Toán, mình không quá lo lắng với môn toán, vì đa phần các trẻ đều có thể học được toán, nên ít bố mẹ có khó khăn với môn toán. Chỉ trừ khi, giáo viên giao bài quá khó so với trình độ lớp 1 thôi, thế nên mẹ phải xem lại các bài toán con đã học, nếu thấy cô cứ giao bài sao, bài khó mà không tương tự như trong sách thì cứ bình tĩnh. Ngoài ra vì con không đọc được đề bài nên con cũng hay làm ẩu làm sai, mình cứ ngồi yêu cầu con viết ẩu viết sai thì phải làm lại là được.
Về phía môn tiếng Anh, thì vì lớp 1 các con phải tập trung Tiếng Việt, thứ hai là Toán và thứ 3 mới đến tiếng Anh. Nên ở giai đoạn này tiếng Anh là học để làm quen là chính thôi. Cứ nhẹ nhàng là hàng ngày cho con ngồi nghe CD các bài đã học, nói theo CD nghe, rồi tập viết và làm bài tập nhẹ nhàng là được. Nếu bé đã được học tốt tiếng Anh từ 5 tuổi thì con sẽ dễ dàng học cả 3 môn Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh ở giai đoạn này.
Thứ tư, sau khi xác định định hướng giáo dục của gia đình nhà mình là theo tây hay ta, từ đó tập trung vào các môn học thì hàng tối chúng ta sẽ phân bổ thứ tự học các môn học ở nhà cho con. Ví dụ bao giờ cũng phải học Tiếng Việt, rồi Toán xong rồi mới tiếng Anh. Ngoài ra tiếng Anh có thể xé lẻ ra như khi đi học về nghe 10p và nhắc lại theo CD nghe. Sau đó tắm rửa, ăn cơm, đến giờ học thì học tiếng Việt rồi sau đó học 10p viết tiếng Anh trên cái bảng nhỏ hoặc làm các phiếu bài tập tiếng Anh, rồi học toán, sau đó 10 phút đọc sách tiếng Anh trên phần mềm Razkids.
Thứ năm, vì con chưa được rèn các kỹ năng ngồi bàn và học tĩnh nên nhất thiết con cần được rèn và bố mẹ phải nỗ lực hơn, sát sao hơn, nghiêm khắc hơn. Và quan trọng nhất là đảm bảo thường xuyên và liên tục. Nhiều mẹ hỏi mình, em cho con đi học thêm với cô giáo sau giờ học với nhiều bạn được không? Theo quan điểm của mình thì không nên. Cái mà con bạn cần được rèn luyện là khả năng tự làm việc chứ không phải là nhớ kiến thức. Việc đi học thêm với cô nhiều khi cô lại ép ngồi học, rồi đông học sinh cô cũng không theo sát hết được thì cũng chả giải quyết được gì.
Ngoài ra, để con có nếp học thì con phải được rèn hàng ngày, mỗi ngày 30-40 phút học chứ học thêm 1 tuần 1-2 buổi mỗi buổi 90-120 phút không giúp con cải thiện được sự tập trung.
Vậy bố mẹ cần nỗ lực, và sự nỗ lực này là cần hàng ngày, và bắt đầu từ 10 phút tự làm bài với đồng hồ để con biết giờ, rồi tăng dần lên 20-30p chứ không cần bắt 1 lúc phải ngồi ngay. Nếu không thể tự kèm con, thì thuê một em sinh viên sư phạm, trọn gói theo tháng trong 6 tháng đến 1 năm từ thứ 2 đến thứ 6, mỗi ngày 40-60p, cần 1 em yêu nghề một chút, và nếu em ấy ghê gớm một chút cũng được, cho em ấy đọc bài viết này của mình rồi nhờ em ấy kèm con bạn theo đúng những gì mình viết ở đây. Chi phí một tháng từ 2-3tr thôi.
Thứ sáu, các ngày thứ 7 và chủ nhật khi con được nghỉ ở nhà, bố/mẹ nên dành thời gian cho con chơi ngoài trời, ra công viên, dã ngoại nhưng không quên mang theo các bộ ghép hình, tô màu, trò chơi trí tuệ, sách IQ, bài tập cuối tuần để có thể chơi tĩnh cùng con cũng như ôn lại kiến thức học trên trường để chuẩn bị cho một tuần mới.
Thường các bố mẹ mất 3-4 năm để con bắt nhịp về được bình thường, nếu kèm tốt thì sau năm lớp 3 là con tự giác học trở lại được dù có nghịch ngợm đến đâu.
Thế còn nếu con đến giờ lớp 3-4-5 rồi mà con vẫn chả thể học được, càng ngày càng đi lùi thì lại là ca phức tạp rồi các bố mẹ ah. Bởi lúc này quá trình dạy sai cách và tương tác sai cách của các bố mẹ đã làm mất hết hứng thú học tập, hổng kiến thức và mất đi động lực muốn học tập của các con. Những ca lớp 3-4-5 sẽ đòi hỏi các bố/mẹ phải mất nhiều công sức hơn mới có thể giúp con trở về bình thường, và lúc này sẽ cần sự hỗ trợ của các thầy cô cực kỳ có kinh nghiệm, yêu trẻ hoặc các chuyên gia tâm lý, giáo dục, đồng thời phải lắng nghe tình huống riêng của từng bé, hoàn cảnh của từng gia đình thì mới có thể đưa ra giải pháp cho từng bạn.
Mọi sai lầm đều có thể có cách cứu chữa, chỉ là chúng ta có đủ quyết tâm cho chính con chúng ta hay không mà thôi. Nếu con chúng ta có vấn đề, mà chúng ta bỏ cuộc, theo cách bố/mẹ liệu thầy cô có thể tâm huyết với các con của bố/mẹ hơn bố mẹ của chúng hay không?.
Nếu thực sự yêu con, bố/mẹ sẽ vượt qua sai lầm để tìm giải pháp, còn lại, sẽ tìm lý do, đổ vào hoàn cảnh gia đình thôi. Chả ai có trách nhiệm hơn bố/mẹ trong các vấn đề của con được. Mình trong 14 năm nuôi dạy con, đã nhìn thấy chính 2 con mình thoát ra khỏi đứa trẻ tang động ngỗ nghịch và trong hàng ngàn đứa trẻ mất tập trung mà mình đã tiếp xúc, đứa trẻ vượt qua được và trở về bình thường, thậm chí xuất sắc là những đứa trẻ có bố mẹ kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ.
Chúc các bố mẹ sớm tìm ra giải pháp cho con mình
Lien eth Nguyen